Thứ Tư, 11/04/2012
Tại cuộc họp sáng ngày 11/4/2012 với UBND Thành phố và Đoàn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Hiệp hội DNTP tiếp tục kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp. Đoàn Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia do Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch - Trưởng đoàn, cùng đi có Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cố vấn tài chính của Chính phủ. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND và các Sở, ngành TP. Về phía Hiệp hội DNTP có Chủ tịch Huỳnh Văn Minh, đại diện Ban thường trực, các hội thành viên (Hội ngành nghề, Hội DN Quận - Huyện) và hơn 30 doanh nghiệp hội viên trên nhiều lĩnh vực.
Cuộc họp tập trung nêu những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến, hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong quý 1/2012, qua đó nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị với Chính phủ về các chính sách vĩ mô và những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu tại cuộc họp
Theo sơ kết quý 1 của UBND TP, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP ước đạt 99.384 tỷ đồng, tăng 7,4%, khu vực dịch vụ tăng 8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,6%, khu vực nông nghiệp tăng 4,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 6.249,7 triệu USD, tăng 8,6%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 49.969 tỷ đồng; nếu không tính ghi thu ghi chi là 49.460 tỷ đồng, đạt 21,77% dự toán, giảm 7,5%.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNTP nhận định, việc thực hiện nghị quyết 11 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, Lãi suất huy động của ngân hàng đang dần giảm xuống. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,12% so với tháng trước (cùng kỳ năm trước tăng 2,2%) và tăng 2,35% so với tháng 12/2011. Trong tháng 3, giá hàng lương thực giảm 1,06% do TP đã triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài từ năm 2008 kèm theo hệ lụy của các năm sau đó, thêm vào đó khủng hoảng nợ Châu Âu và tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao trong năm 2011 nên tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2012 sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, áp lực lạm phát và lãi suất vẫn cao.
Qua ghi nhận và tổng hợp sơ bộ, tính trong năm 2011 và đến hết quý 1/2012 tổng số doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động, có nguy cơ giải thể tại TP lên đến hơn 25 ngàn (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thống kê, tính hết năm 2011, tổng số doanh nghiệp đã giải thể cả nước là hơn 79 ngàn). Hiện nay, doanh nghiệp tất cả các ngành đều gặp nhiều khó khăn về đầu vào, giá nguyên vật liệu, chi phí lương tăng, thiếu vốn và lãi suất cao, thuế và các loại phí khác tăng…Đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, thiếu năng lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nguy cơ mất, giảm thị trường. Việc tiếp cận vốn khó khăn, không có điều kiện tái cấu trúc doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội DNTP Huỳnh Văn Minh nêu kiến nghị tại cuộc họp
Trước tình hình khó khăn trên, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp thành phố, Chủ tịch Huỳnh Văn Minh kiến nghị những giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể:
· Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất không đặt nặng chỉ tiêu GDP. Tăng cường công tác dự báo về thị trường trong nước và thế giới để doanh nghiệp nắm bắt thông tin và điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
· Cần có chủ trương giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng như mua lại nợ, dự án nhà thu nhập thấp, tái cơ cấu nợ đối với doanh nghiệp... để giúp đồng vốn lưu thông.Tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống từ 12 đến 14% trong năm nay, lãi ngân hàng Nhà nước chỉ khống chế đầu ra (trần lãi suất cho vay) không khống chế lãi suất đầu vào. Sớm có biện pháp giảm nhiệt lãi suất như hiện nay, có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay (Các nguồn vốn thì có nhưng thủ tục để doanh nghiệp có thể vay được quá khó khăn), thành phố cần chỉ đạo đánh giá khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là xem xét sửa đổi Nghị quyết 33.
· Đối với ngành Bất động sản, Chính phủ cần có chính sách cấp bách làm cho thị trường này “ấm” dần, cũng là giải quyết cái gốc của mọi vấn đề. Thị trường này đóng băng kéo theo hệ lụy các ngành khác gồm nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép, sản phẩm dở dang (chôn vốn), lao động… Nên tiếp tục cho vay thực hiện các dự án dở dang, dự án dành cho người có thu nhập thấp hoặc Nhà nước mua lại đồng thời cần xem xét lại giá đất (đền bù, thuế)..
· Đi đôi với việc thực hiện Nghị quyết 11: thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… người dân và doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất, nên có chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, các loại phí thu.
· Về cải cách hành chính, nên đặt trọng tâm của cải cách hành chánh là đổi mới con người, các cơ quan Nhà nước nên đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cải cách cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong đăng ký kinh doanh, nhà đất, xây dựng, thuế, hải quan, kiểm tra chất lượng, môi trường…
· Giám sát kỹ hoạt động của ngân hàng, đảm bảo tính minh bạch.
Cuộc họp còn ghi nhận hơn 10 ý kiến từ các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp Quận huyện và các doanh nghiệp ngành bất động sản, cơ khí, nhựa, du lịch… Đa số các doanh nghiệp đều mong muốn tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất giảm so với hiện nay, được giản – giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh lại các chính sách về thuế đất, thuế môi trường… và một số cơ chế tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Nam – Chủ tịch Hội DNQ3 phát biểu tại hội nghị
Theo Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, với ba vấn đề chính mà doanh nghiệp đang vướng về tiền tệ, lãi suất và thuế, Quỹ bảo lãnh tín dụng cần nâng cao vai trò, xem xét cụ thể từng ngành, từng loại doanh nghiệp để giải quyết vấn đề về vốn. Chính phủ nên giãn thuế và miễn hẳn thuế thu nhập cho doanh nghiệp trong năm 2012.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẽ những khó khăn với doanh nghiệp Thành phố, đồng thời ghi nhận tất cả các ý kiến, trên cơ sở đó, tổng hợp, đề xuất Chính phủ có giải pháp cụ thể, nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiệp hội DNTP mong sớm nhận được sự quan tâm, xem xét và có hướng chỉ đạo từ UBND TP, Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trước đó, tại hội nghị Lãnh đạo TP gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm ngày 13/2/2012, Hiệp hội đã kiến nghị UBND TP nhiều vấn đề trọng tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.
T.V - VPHH