Có nhiều hay ít tiền mặt đều có thể là nỗi phiền toái của các doanh nghiệp. Trong khi các công ty khan hiếm tiền mặt phải vắt óc nghĩ kế kiếm vốn cho sản xuất kinh doanh, thì các doanh nghiệp dư dả tiền mặt phải chạy đôn chạy đáo tìm cơ hội đầu tư mới.
Giải phóng hàng tồn không dễ
Tiền mặt trên bảng cân đối kế toán là dấu hiệu quan trọng cho biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đến đâu. Khan hiếm tiền mặt là biểu hiện của tình trạng mất cân đối tài chính, thiếu hụt vốn lưu động và có thể mất khả năng hoạt động liên tục. Trong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay, sức tiêu thụ hàng hóa chậm, dẫn đến vòng quay tiền mặt chậm và lượng tiền mặt trở nên vô cùng khan hiếm đối với nhiều công ty.
Tính đến cuối quý 3/2012, Công ty cổ phần Thái Hòa (THV) chỉ còn vẻn vẹn 3,67 tỷ đồng tiền mặt. Khan hiếm tiền mặt trầm trọng khiến THV lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chiếm thị phần lớn trong ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê tại Việt Nam, thế nhưng công ty này đang phải thế chấp hàng tồn kho và tài sản khác để vay vốn ngân hàng. Gần 70% tổng tài sản của THV đều nằm ở hàng tồn kho và tài sản cố định. Đáng nói thêm là công ty đã đi vay nợ ngắn hạn 1.388 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Không bán được hàng sẽ khiến vòng quay tiền mặt chậm lại, công ty không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn. Gánh nặng chi phí lãi vay lên đến 166 tỷ đồng trong 9 tháng, phát sinh từ dư nợ 1.496 tỷ đồng, khiến cho công ty này tiếp tục lỗ thêm 275 tỷ đồng. Vào cuối quý 3/2012, Thái Hòa đã lỗ lũy kế 523 tỷ đồng, gần như mất sạch vốn chủ sở hữu 577 tỷ đồng. Vốn lưu động thâm hụt hơn 600 tỷ đồng, THV rơi vào tình trạng mất khả năng hoạt động liên tục, được phản ảnh qua lượng tiền mặt rất ít ỏi. Doanh thu bán hàng 9 tháng năm nay của THV đã sụt giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban điều hành của THV phải chịu áp lực lớn khi đưa ra quyết định giảm mạnh giá thành sản phẩm, chấp nhận bán lỗ để tiêu thụ hàng tồn kho. Do vậy, lợi nhuận gộp của THV là (-48,9) tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái, THV vẫn lãi gộp 195 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận 17,4%). Công ty dự kiến chào bán 42,25 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên sàn của THV chỉ còn 800đ/cổ phiếu, đàm phán với đối tác mua cổ phần rất khó khăn. Do vậy, để bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn, THV chỉ có thể đẩy nhanh lượng tiêu thụ hàng tồn. Tuy nhiên, xét về dài hạn THV buộc phải tái cấu trúc triệt để thông qua việc bán tài sản trả nợ, kể cả tìm đối tác để mua lại công ty.
Tìm kiếm cơ hội ở đâu?
Trái ngược với THV, các công ty sở hữu lượng tiền mặt dồi dào không phải đối mặt với bài toán thanh khoản, nhưng lại phải giải quyết bài toán tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng. Hoạt động cầm chừng để vẫn có lãi hay mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư vào ngành nghề cốt lõi hay mở rộng lĩnh vực kinh doanh? Mọi lựa chọn đều không dễ dàng.
Dôi dư lượng tiền mặt lên đến 230 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) có thể "sống khỏe" trong thời kỳ khủng hoảng do không chịu áp lực vay nợ. Không những thế, Công ty còn có nguồn thu nhập đều đặn từ lãi tiền gửi. Khác với trường hợp căng thẳng tiền mặt của Thái Hòa, NTL không chịu áp lực bán rẻ hàng tồn kho để bù đắp vốn lưu động thiếu hụt. Nhưng xét trên phương diện tổng thể, nguồn thu nhập của công ty đang cạn kiệt do dự án bất động sản lớn nhất của công ty là khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 đang hoàn thiện và sắp bàn giao nhà cho khách hàng. Trên thực tế, NTL đã thu gần hết tiền của khách hàng, chỉ chưa ghi nhận doanh thu chính thức. Chưa có hướng phát triển các dự án mới, trong 2-3 năm tới, kết quả kinh doanh của Công ty chắc chắn sẽ không "êm đềm" như 2-3 năm trở lại đây. Trong quý 3/2012, NTL ghi nhận lỗ nhẹ là 2,2 tỷ đồng trước thuế do trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính. Lũy kế 9 tháng, NTL vẫn lãi sau thuế 21,2 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý là Công ty phải trích dự phòng 22,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư với giá trị ghi sổ là 26 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng (BHT). Không phải ngẫu nhiên NTL đầu tư vào 24,96% vốn điều lệ của BHT mà sâu xa hơn là ngầm thâu tóm một số dự án bất động sản thuộc sở hữu của BHT. Tuy nhiên, BHT nhanh chóng phản ứng bằng cách phát hành 200.000 trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 12%/năm (tương ứng 20 tỷ đồng mệnh giá) cho Công ty Chứng khoán Agriseco để chống lại khả năng bị thâu tóm. NTL bèn thay đổi cách hạch toán đối với khoản đầu tư vào BHT từ công ty liên kết, liên doanh sang đầu tư tài chính dài hạn. Phải chăng vì không thể thâu tóm được BHT nên NTL thay đổi chiến lược với công ty mục tiêu này?
Trước thế phòng thủ của nhiều doanh nghiệp sợ bị thâu tóm, NTL đã chuyển hướng sang tìm kiếm đối tác có thể hợp tác kinh doanh (thành lập hoặc không thành lập pháp nhân), thay vì đi thâu tóm các công ty bất động sản như BHT. Trong năm 2012, NTL đã góp 13,04 tỷ đồng để thành lập liên doanh (nhưng không thành lập pháp nhân) với 2 đối tác khác...
Rõ ràng, NTL không thể "ngồi mát ăn bát vàng" với lượng tiền mặt lớn mà phải nghĩ đến kế hoạch phát triển kinh doanh trong 2 - 3 năm tới. Thị trường bất động sản chưa thể ấm hẳn lên do nguồn cung ồ ạt trong khi nhu cầu mua nhà vẫn còn yếu. Tuy nhiên, nguồn vốn mà NTL thường sử dụng là vốn chủ sở hữu và tiền trả trước của người bán nên công ty không chịu nhiều sức ép về tiến độ bán hàng cũng như lịch trình trả nợ.
Nhìn chung, khan hiếm tiền mặt như THV hay thừa tiền như NTL đều phải đương đầu với bài toán vốn lưu động trong ngắn hạn và tốc độ tăng trưởng trong trung và dài hạn. Quan trọng hơn là doanh nghiệp luôn phải đặt lên bàn cân 2 đối trọng: quản trị rủi ro và tăng trưởng bền vững.
Bài: Gia Trình
Minh họa: H.P