Tại cuộc tọa đàm về Thông tư 20 do báo Bizlive tổ chức sáng 11-8 tại Hà Nội, hầu hết ý kiến đều đề nghị Chính phủ bỏ Thông tư 20.
Dù được mời, nhưng đại diện Bộ Công Thương đã không có mặt. Dù vậy, tất cả đại diện các bộ, ngành, các tổ chức liên quan, và chuyên gia đều đồng tình đề nghị bỏ Thông tư 20, ngoại trừ các thành viên VAMA.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định không cần Thông tư 20. Ảnh TH.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nói: “Không có lý do gì để một thông tư như Thông tư 20 tồn tại”.
Ông giải thích: “Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ô tô, nhưng cho đến thời điểm này tôi có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại”.
Ông nhận xét, ô tô nhập khẩu Việt Nam nằm trong những nước có giá cao nhất thế giới. Tất cả những khập khiễng đó là do Chính phủ không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, của nhân dân.
“Trong các hội nghị gần đây, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, cần tạo hành lang đủ rộng cho doanh nghiệp hoạt động. Ở Việt Nam, cần quan tâm tới các loại lợi ích, chứ không tập trung cho một lợi ích nào cả”, ông Mại nói.
Ông Lê Thủy Trung, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh, chứ không phải thủ tục hành chính.
Ông Trung khẳng định, có tình trạng mua xe trong nước mọi người phải xếp hàng mới mua được xe, thậm chí có những trường hợp phải trả thêm tiền để mua xe.
“Việc duy trì đại lý uỷ quyền cũng là một hình thức độc quyền... Điều này đã đẩy giá xe ở Việt Nam cao gấp 2-3 lần giá xe ở các nước khác”, ông Trung nói.
“Do đó, theo tôi không nên duy trì Thông tư 20”, ông Trung nói, và cho biết thêm đây là quan điểm chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, đồng tình: “Các nước khác không có thông tư na ná như Thông tư 20 của Việt Nam. Họ không phân biệt lắp ráp với nhập khẩu, họ được đối xử tương đồng, đặc biệt ở các nước phát triển”.
Việc phải có giấy ủy quyền chính hãng, theo ông Phong, đã hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này hạn chế chủ trương rất lớn của Chính phủ là tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
“Đòi ủy quyền chính hãng là gián tiếp (tiếp tay) cho việc độc quyền”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức đã gửi văn bản lên Thủ tướng đề nghị bỏ Thông tư 20, nhấn mạnh cơ chế nhập khẩu song song đang phổ biến trên thế giới là có lợi cho Việt Nam.
Ông Ngô Việt Dũng, Quản trị Diễn đàn Otofun đang có hơn 300.000 người tham gia diễn đàn, nhận xét, một xe ô tô đời 2016 của Thái Lan được lắp động cơ thế hệ mới, còn xe cũng năm 2016 được lắp tại Việt Nam thì chỉ được lắp ráp động cơ là thế hệ cũ.
“Hãy để người tiêu dung có nhiều lựa chọn hơn”, ông nói.
Về phần mình, tất nhiên, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) vẫn kiên trì khẳng định, VAMA đề xuất Chính phủ duy trì Thông tư 20.
Ông lý giải, ô tô phải đảm bảo môi trường và an toàn giao thông, do vậy cần có ủy quyền chính hãng.
“Sự ủy quyền này khác nhau gì? Đó là có sự hỗ trợ của nhà sản xuất trong việc bảo hành bảo dưỡng, từ đó nhà cung cấp trong nước mới có hàng chính hãng để bảo hành - bảo dưỡng”, ông nói.
Ý kiến của VAMA được đại diện các hãng xe Audi, Porsche và Rolls-Royce nhiệt tình ủng hộ. Các doanh nghiệp này cho rằng, bỏ Thông tư 20 dẫn đến nguy cơ gian lận thương mại, nhà nước thất thu thuế, và cơ quan đăng kiểm không thể cáng đáng nổi việc. Đây là những việc của Nhà nước, không phải của doanh nghiệp.
Tất nhiên, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ không đồng tình.
Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, nhận xét phải có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có sự lựa chọn.
“Vì sao mà Rolls-Royce và Lexus lãi khủng vậy? Đó là do độc quyền mà ra thôi. Các anh cứ nói bảo vệ người tiêu dùng nhưng không phải. Người tiêu dùng là ai, là tất cả chúng ta ngồi đây”, ông Quyết nói.
Ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty Carmax, khẳng định bỏ Thông tư 20 chỉ có lợi cho người tiêu dùng.
Ông nói: “Chi phí của chúng tôi thấp hơn, chúng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp hơn. Lợi nhuận các anh phải là 500 triệu đồng mỗi xe, còn chúng tôi chỉ cần 50 triệu”.
Nguồn: (TBKTSG Online)