Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn 8288/BTC-QLCS triển khai các quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Trình tự điều chỉnh bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất.
*Chiều 12-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16-1-2020 của UBND TPHCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, giá bất động sản trung bình ở Việt Nam hiện cao gấp khoảng 30 lần thu nhập bình quân của người dân; trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, ở Singapore là 5,2 lần. Việc ban hành bảng giá đất mới khi chưa có biện pháp để đưa giá đất quay về đúng giá trị thực sẽ tiếp tục đẩy giá đất lên cao.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, qua thời gian triển khai thực hiện Quyết định số 02/2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Cụ thể, bảng giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, khó cập nhật biến động thị trường, thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố…
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy kỳ vọng, bảng giá đất mới được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn thành phố bởi giá mới tiệm cận thị trường dễ nhận được sự đồng thuận của người dân vì các mức hỗ trợ, đền bù đều sẽ tăng lên.
ĐÔNG GIA
Nguồn Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG