Mặc dù đã có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải công bố các rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để nhà đầu tư biết, nhưng các doanh nghiệp chỉ thực hiện quy định này chủ yếu theo kiểu đối phó, theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Ảnh minh họa: TL TBKTSG.
Tại cuộc họp báo công bố khởi động cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) năm 2015 tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM hôm nay 5-12, ông Nguyễn Sơn cho biết theo Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, việc cung cấp thông tin về quản trị rủi ro trong báo cáo thường niên là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, doanh nghiệp đưa thông tin rất hạn chế về các rủi ro tiềm ẩn đối với doanh nghiệp mình cũng như môi trường đầu tư kinh doanh.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, cho biết trong nhiều năm qua chất lượng của BCTN ngày càng nâng cao; nhưng vẫn còn những điểm yếu. Điểm yếu lớn nhất là trong BCTN thông tin về rủi ro được doanh nghiệp nêu ra rất chung chung, chỉ vài dòng, không nêu cụ thể rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như biện pháp mà doanh nghiệp đưa ra để giảm thiểu rủi ro.
Điểm yếu khác là về thực hiện báo cáo đầu tư, doanh nghiệp thường đưa ra thông tin một cách chung chung, chẳng hạn như doanh nghiệp dời kế hoạch hoàn thành dự án nhưng không giải thích cụ thể trong báo cáo để nhà đầu tư biết. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết cũng được doanh nghiệp nhắc đến, nhưng không nói rõ hiệu quả chính đến từ công ty nào.
Báo cáo của ban giám đốc các doanh nghiệp niêm yết cũng không đánh giá hiệu quả làm việc của ban giám đốc, hội đồng quản trị; về tiền lương tiền thưởng, các công ty có công bố, nhưng chưa chi tiết từng thành viên.
Theo ông Nguyễn Sơn, hiện dự thảo văn bản mới thay thế Thông tư 52 đang được đưa ra lấy ý kiến theo hướng sẽ siết chặt hơn nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp (niêm yết) cho thị trường, cũng như xem xét có các chế tài tương ứng. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết cơ quan quản lý cũng cân nhắc đưa ra các quy định làm sao doanh nghiệp vẫn chấp nhận được.
Ngoài ra, theo dự thảo thông tư thay thế thông tư 52, BCTN của công ty đại chúng phải bao gồm các thông tin về phát triển bền vững. Các nội dung về phát triển bền vững có thể được lập riêng thành báo cáo phát triển bền vững; trong đó có báo cáo liên quan đến môi trường (tiêu thụ nước, năng lượng, phát thải,…), báo cáo liên quan đến người lao động (chính sách lao động, hoạt động đào tạo,…), và báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương.
Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, khi phân tích đầu tư, Dragon Capital thường nhìn vào các chỉ số tài chính truyền thống và các chỉ số phi tài chính (những ảnh hưởng của doanh nghiệp đến xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp,…). Gần đây công ty này tập trung vào các công ty có quản trị doanh nghiệp tốt, vì đây là nền tảng cho thấy doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2015 chính thức khởi động vào hôm 5-12. Đây là năm thứ 8 cuộc bình chọn này được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Dragon Capital.
Tiêu chí bình chọn năm 2015 sẽ khắt khe hơn những năm trước. Cụ thể, ở vòng chấm sơ khảo, sẽ loại trừ các BCTN của những doanh nghiệp niêm yết thiếu một trong các nội dung trọng yếu (như các rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính của công ty, tình hình đầu tư, thực hiện các dự án,…), những doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin, bị nhắc nhở trên toàn thị trường từ ngày 1-1-2014 đến thời điểm xét trao giải, các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.
Hạn chót doanh nghiệp nộp BCTN năm nay là ngày 21-4-2015. Dự kiến sẽ có hơn 700 BCTN của các doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM được đưa vào xét chọn trong năm nay. Hội đồng bình chọn năm 2015 lần đầu có sự tham gia của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nguồn: TBKTSG