Mục đích cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Nhưng theo một số nhà chuyên môn, muốn hiện thực hóa được điều đó, trước hết cần phải có một tư duy mới về tổ chức thực hiện, còn hiện tại chưa có một sự chuyển dịch cụ thể nào.
Trước khi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt ngày 16/10/2013 (Quyết định số 899/QĐ-TTg), từ những bức xúc thực tế như cảnh được mùa mất giá, trồng chặt, chặt trồng…, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thông qua xây dựng một số mô hình sản xuất mới như cánh đồng 50 triệu/héc ta, cánh đồng 100 triệu/héc ta…
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thực hiện, hầu hết những mô hình trên đều rơi vào cảnh khó khăn.
Thực tế, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn châu Âu- PV) giữa nông dân hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và Công ty TNHH ADC từng được đánh giá là điểm sáng đổi mới của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL. Thế nhưng, mô hình này đã chính thức bị phá sản sau ít năm hoạt động do sản phẩm không tiêu thụ được.
Trao đổi về trường hợp của ADC bên lề hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”- sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế ĐBSCL năm 2014 tại Sóc Trăng (MDEC Sóc Trăng 2014), một đại biểu cho rằng, do cách làm của đơn vị này vẫn mang tư duy cũ, tức sản xuất trước rồi tính chuyện tiêu thụ sản phẩm sau.
Trong khi đó, theo một số nhà chuyên môn, nhìn ở quy mô tái cơ cấu nông nghiệp cấp vùng, thì việc thực hiện phải được đặt trong mối gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng với nhau (liên kết vùng) và giữa ngành nông nghiệp (sản xuất) với ngành công thương (tìm kiếm thị trường tiêu thụ).
Trao đổi bằng tư cách cá nhân bên lề hội thảo trên, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án tái cơ cấu nông nghiệp và 13 tỉnh/thành ĐBSCL cũng có những đề án riêng của họ. Nhưng cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình, vì như vậy sẽ rơi vào tư duy cũ, rồi sẽ thất bại nữa.
Theo ông Hiệp, về vấn đề liên kết vùng, các nhà khoa học, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã nghĩ đến đề án liên kết vùng để phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL nhưng đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt. “Phải có đề án liên kết vùng thì mới thúc đẩy được, không thể chỉ ngồi bàn, nói cần thiết nhưng để vận hành thì chưa, mà đó mới là điều quan trọng để phát triển”, ông cho biết.
Còn theo GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng chính sách quốc gia, dù chúng ta đi vào kinh tế thị trường và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng việc quản lý Nhà nước vẫn chưa theo kịp yêu cầu, từ tư duy đến hành động. “Có hay không sự buông lỏng ở một số khâu trong các ngành và sự thiếu phối hợp giữa các ngành, trước nhất là ngành công thương và ngành nông nghiệp?”, ông Trân đặt vấn đề.
Theo ông Trân, tái cơ cấu nông nghiệp muốn thành công, nhất thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương.
Nguồn: Trung Chánh /TBKTSG Online