Lạm phát có thể giảm chỉ bằng một nửa của 4 năm thấp nhất và bằng 1/5-1/6 so với năm đỉnh cao một thập kỷ qua. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo rằng xu hướng này sẽ ổn định lâu dài.
Giá giảm, nhưng không đáng kể
Chị Liễu, tiểu thương bán rau tại chợ cóc ở Cát Linh, Hà Nội, cho biết, giá rau khoảng một tuần này giảm khá. Mức giảm phố biến là từ 1.000-3.000 đồng/kg tuỳ loại.
Ví dụ như súp lơ 10.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng so với trước; cà chua giảm từ 15.000 xuống còn 12.000 đồng/kg; bắp cải giảm từ 13.000 xuống còn 10.000 đồng/kg. Đậu đỗ đầu mùa 20.000 nay chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg. Su hào cũng giảm từ 5.000-6.000 còn 4.000 đồng/củ...
"Giờ đã bắt đầu mùa lạnh, rau thu hoạch chính vụ, dồi dào nên giá giảm chứ không liên quan gì đến xăng dầu", chị Liễu quả quyết.
Giá rau giảm nhờ vào đúng mùa vụ, giá thực phẩm hạ nhiệt nhờ cước vận chuyển giảm
Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, chị Liễu chạy xe máy từ vùng rau Hưng Yên chở lên bán lẻ trực tiếp tại chợ trung tâm Hà Nội. Chi phí xăng dầu cho hành trình này giảm đáng kể, nhưng việc quyết định giá cho hàng chục kg rau chị bán ra mỗi ngày hầu như phụ thuộc vào chủ ruộng.
Chị giải thích thêm: "Nếu thời tiết xấu, có mưa axit, rau hỏng thì giá sẽ vẫn tăng, dù giá xăng dầu lúc đó giảm. Tại các chợ đầu mối lớn, các chủ hàng mua buôn mỗi chuyến vài tạ rau, chở bằng ô tô, tốn xăng dầu thì họ mới giảm chút ít theo giá xăng dầu thôi".
Đối với thực phẩm tươi sống, xu hướng hạ giá ở Hà Nội đã thể hiện rõ ở các loại thuỷ hải sản. Bà Sim, một chủ hàng đưa hải sản từ Nam Định ra Hà Nội, hồ hởi: "Hôm nay, giá tôm giảm 20.000-40.000 đồng/kg, chỉ còn 180.000 đồng/kg. Ngao trắng trước đây thường 18.000-20.000 đồng/kg thì giờ chỉ 15.000-16.000 đồng/kg. Ghẹ sống cũng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 220.000 đồng/kg. Giảm nhẹ nhất là 5.000 đồng/kg đối với cá vược và cá bạc má”.
"Đó là nhờ giá cước vận tải giảm theo xăng dầu. Chúng tôi mua buôn rẻ thì giá bán ở đây cũng hạ theo thôi. Nếu giữ giá thì sẽ mất khách", bà Sim xác nhận. Trước đây, một thùng xốp chở hàng có phí cước 70.000-80.000 đồng thì nay cũng đã giảm được 15.000-20.000 đồng. Kể cả tuyến xe khách chở người, vé xe Hà Nội - Nam Định cũng giảm tới 10.000 đồng/vé.
Tương tự, anh Long, một chủ buôn gia cầm sống cũng cho biết, giá gà ta cũng đã giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ghi nhận thị trường lại cho thấy, một số mặt hàng thực phẩm quen thuộc hàng ngày vẫn neo giá như trứng gà, trứng vịt, thịt bò, thịt lợn, gạo. Thậm chí có nơi, giá gà công nghiệp đã chế biến lại tăng khoảng 10.000 đồng/kg với lý do... thiếu hàng.
Hết bình ổn, giá có thể bật tăng?
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê, thừa nhận: "Cảm nhận của người dân về giá cả lương thực thực phẩm có thực sự hạ không đúng là khó rõ rệt. CPI tháng này giảm 0,27%, nếu so với giá một mớ rau muống khoảng 4.000-5.000 đồng thì mức giảm đó quả là rất ít".
"Nhưng người dân có thể nhận thấy rõ ở chi phí đi lại, giao thông. Tôi đi xe máy dung tích nhỏ, trước đây, đổ xăng mỗi lần 50.000 đồng là ổn nhưng giờ đổ cũng từng ấy tiền là tràn bình", ông Thắng kể.
Hết bình ổn giá, lạm phát có tăng trở lại? (ảnh minh họa)
Vị lãnh đạo này khẳng định, hiện có hàng trăm điều tra viên được thuê cộng tác ở khắp 63 tỉnh, thành, mỗi người phụ trách 50 mặt hàng, mỗi tháng phải đi khảo sát 3 lần để cập nhật giá cả. Mặt khác, cơ quan thống kê các địa phương cũng cập nhật từ ban quản lý các chợ trên cả nước, có cán bộ đi thực tế cùng nên số liệu là chính xác.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là liệu, xu hướng lạm phát thấp như hiện nay sẽ kéo dài được bao lâu?
Một mặt hàng phổ biến như sữa đang có giá thấp, giảm từ 2-22% so với giá nửa đầu năm, chỉ là nhờ việc can thiệp hành chính bằng công cụ áp giá trần. Các doanh nghiệp sữa chỉ giảm giá một cách miễn cưỡng theo "lệnh" điều tiết của Nhà nước. Điều đó cũng có nghĩa, mức giá hiện nay chỉ là giá ảo trong ngắn hạn.
Đến hết 30/11 năm nay, quy định phải đăng ký giá đối với sữa hết hiệu lực, mặt hàng này có thể tăng giá, tất nhiên vẫn trong khung giá trần mà không cần xin phép. Đến tháng 6/2015, thời hạn áp giá trần sẽ hết, thị trường sữa hoàn toàn có thể tái diễn lại cảnh nhảy múa tự do, tăng phi mã như nhiều năm nay.
Rõ ràng, việc kiểm tra gắt gao giá thành sữa như cách Bộ Tài chính làm chưa chắc đã làm thay đổi giá cả của 80% mặt hàng sữa - vốn thuộc về các ông lớn FDI.
Thêm vào đó, với tâm lý lợi nhuận là số một, dù đầu vào có giảm nhưng hầu hết DN đều viện đủ lý do để giữ giá. Chỉ khi cơ quan quản lý vào cuộc mới bắt đầu giảm chút ít và mức độ không tương xứng.
Đơn cử như giá xăng đã giảm 5.390 đồng/lít sau 10 lần điều chỉnh, tương đương 21%, nhưng hầu hết cước taxi mới chỉ giảm 2-10%.
Với lương thực thực phẩm, giá cả còn phụ thuộc vào cả vấn đề cung cầu và thời tiết. Nếu thời tiết xấu, lương thực khan hàng thì chắc chắn, giá sẽ vẫn tăng và gây khó khăn cho đời sống.
Ở Việt Nam, giá điện vẫn sẽ tiếp tục tăng vào năm tới, theo lộ trình thị trường hoá của Chính phủ với khoảng tăng ít nhất là 10%.
Dù vậy, một tín hiệu tích cực khác hé mở là thị trường giá xăng dầu thế giới sẽ vẫn tiếp tục suy giảm đến nửa đầu năm 2015. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ đã dự báo mức dầu thô năm tới chỉ ở hơn 77 USD/thùng, giảm gần 18 USD/thùng so với con số bình quân 95 USD/thùng hiện nay. Giá nhiên liệu giảm chắc chắn sẽ có tác động dây chuyền tới nhiều mặt hàng đầu vào của sản xuất và tiêu dùng trong năm tới.
Nguồn: Báo VietNamNet