Theo thống kê của cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công thương), trong năm 2011 các tổ chức xã hội giải quyết khoảng 2.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng; sở công thương các tỉnh, thành phố giải quyết khoảng 400 vụ nhưng trong thực tế, số vụ vi phạm cao hơn nhiều. Việc doanh nghiệp tự chống hàng giả cũng phổ biến kể từ khi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực tháng 7.2011, nhiều công ty thậm chí còn quảng cáo, PR, tham gia tổ chức hội thảo theo thông điệp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công ty may Tây Đô quảng bá thương hiệu và hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả tại một phiên chợ bán hàng ở nông thôn. Ảnh: H.L
|
Người tiêu dùng bị thiệt
Theo ông Nguyễn Phương Nam, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng chưa hiểu hết luật, cũng không có thói quen khiếu tố khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm nên cam chịu thiệt thòi.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định “Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, thế nhưng đa phần các vụ khiếu nại đều do các tổ chức xã hội giải quyết là chính. Hiện cả nước mới có hơn 40 tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng không có kinh phí hay chế độ hỗ trợ nên hoạt động kém hiệu quả. Các hội vì thế “thụ động” trong tiếp nhận các phản hồi từ người tiêu dùng bị vi phạm, chưa thể hiện vai trò của mình.
Ông Ngô Bách Phong, phó chủ tịch hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, thừa nhận các hoạt động hiện nay còn nhiều khó khăn, khiếm khuyết. Người tiêu dùng vẫn còn lúng túng bởi sự rời rạc, thiếu đồng bộ, chồng chéo của những quy định luật pháp, các thủ tục giấy tờ cũng như các quy định theo hợp đồng chỉ có lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức trong các ngành độc quyền cung cấp dịch vụ, sản phẩm (như điện, nước, gas, xăng, sữa…)
Doanh nghiệp điêu đứng
|
Theo ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc công ty giấy Sài Gòn, luật và chính sách quản lý nhà nước đều chỉ đạo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách kịp thời, công bằng, minh bạch và đúng luật. Nhưng việc không kiểm soát được tình trạng thị trường như hiện nay thì cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bị thiệt hại. Nhiều sản phẩm giả giấy Sài Gòn bán tràn lan ra thị trường với mức giá rẻ hơn từ 20 – 40% bởi các cơ sở này không phải chịu phí môi trường, thuế và các nghĩa vụ khác. Mức xử phạt thì thấp hơn nhiều so với lợi nhuận kinh doanh hàng giả nên chưa răn đe đối tượng nên tái lại nhiều lần (9 triệu đồng/lần).
Vấn đề là doanh nghiệp xử lý rất khó khăn. Khi gửi hồ sơ cung cấp địa điểm bán hàng giả, đội quản lý thị trường phải xin ý kiến chi cục, nhưng thường khi trinh sát đến nơi thì hàng đã tẩu tán. “Hầu hết tin báo của công ty đều được quản lý thị trường phản hồi là không phát hiện được gì, trong khi hàng giả thì tràn ngập”. Chưa kể một số chi cục không xử lý hàng giả bao bì, vì cho rằng thuộc phạm vị bảo hộ quyền tác giả. Bởi nghị định 47/2009/NĐ-CP không quy định phạt kinh doanh hàng giả bao bì, không xử phạt đối tượng sản xuất mà chỉ xử phạt khi vận chuyển và tàng trữ, mà các cửa hàng hay nhà phân phối không được xem là người tàng trữ và vận chuyển.
Quản lý nhà nước chồng chéo lại phản ứng chậm trước các vi phạm. TS Lê Đăng Doanh ví dụ hiện tượng biến tướng báo động hiện nay tại các khu công nghiệp – khu chế xuất phía Bắc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký sản xuất nhưng nhà máy thì im ỉm, bởi họ chỉ “đánh” những container hàng sang dán nhãn hàng hoá Việt Nam và bán ra thị trường. “Điều ngạc nhiên là các cơ quan quản lý không phát hiện được những vi phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng khi được thông tin thì phản ứng rất chậm hoặc không thấy phản ứng”, ông Doanh nói.
Doanh nghiệp phải tự lo
TS Lê Đăng Doanh cho rằng tình hình cạnh tranh như lâu nay đang phản ánh một nền kinh tế thị trường vẫn còn hoang dã. Các yếu tố kinh tế thị trường chưa thật sự phát huy được, trong khi vai trò quản lý nhà nước thì lỏng lẻo.
Theo TS Doanh, các điều tra về hỗ trợ doanh nghiệp lâu nay đều cho thấy các doanh nghiệp nhỏ hầu như chẳng được các tổ chức quản lý hỗ trợ gì, ngoài việc đến nơi thu phí hoặc thanh tra kiểm tra. Quản lý như vậy thường chỉ gây phiền hà và làm cho xã hội mất tính cạnh tranh. Trước tiên doanh nghiệp đừng làm điều không cần, vì nhiều doanh nghiệp vẫn kinh doanh hiệu quả mà không cần tạo điều kiện cho cái xấu có cơ hội phát huy. “Một tiệm hớt tóc lành mạnh khách hàng vẫn tìm đến mà không cần phải cạnh tranh với tiệm hớt tóc thanh nữ, bởi không phải ai cũng làm điều sai trái” – ông khuyến cáo – “Các doanh nghiệp, ngành hàng phải nhóm lại và hỗ trợ lẫn nhau phát triển, tìm ra các giải pháp tự vệ chính đáng trước khi nhận được các hỗ trợ về cơ chế”.
Tuyết Ân – Bích Nga – Hoàng Bảy
Sẽ đóng cửa cơ sở không đủ điều kiện
Trao đổi với SGTT sau bài viết Doanh nghiệp xoay trở trong thị trường thiếu bình đẳng (số 7.9.2012), ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, thừa nhận tình trạng kinh doanh trứng gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn TP.HCM. Hiện thành phố có hơn 70 cơ sở kinh doanh trứng cấp 1 và hơn 100 đại lý cấp 2, cấp 3, cung cấp khoảng 50% số lượng mỗi ngày (khoảng 2 triệu quả). Hầu hết các cơ sở này không đáp ứng các điều kiện như: phải ở cách biệt khu dân cư và các nguồn gây ô nhiễm, nguồn điện nước ổn định, đảm bảo xử lý chất thải, kho bảo quản, xử lý và chế biến đóng gói… Theo ông Thảo, cơ quan thú y đang siết chặt các yêu cầu về cơ sở đầu tư, sản xuất, đặc biệt là khâu bán lẻ. Ba doanh nghiệp Vietfarm, Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp khoảng 2 triệu quả trứng mỗi ngày nhưng chưa chạy hết công suất. Nếu các cơ sở nhỏ không đáp ứng các điều kiện kinh doanh thì các doanh nghiệp này có thể đảm trách được. “Phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu, những cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu sẽ phải đóng cửa chứ không thể tồn tại mãi được”.
|
Nguồn sgtt.vn