Sáng 13/03/2012, tại khách sạn Kim Đô, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức Hội nghị Lãnh đạo thành phố gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm để lắng nghe ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tham dự hội nghị có Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP; Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch UB MTTQ VN-TP.HCM, đại diện Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCP, đại diện Cục Thuế, Cục Hải Quan và các Sở, ngành TP. Về phía Hiệp hội DNTP có Chủ tịch Huỳnh Văn Minh, Ban Chấp hành, đại diện các hội thành viên – CLB DN và hơn 150 doanh nghiệp.
Chủ trì cuộc họp: Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Ông Dương Quan Hà - Chủ tịch UB MTTQ VN - TP.HCM, Ông Huỳnh Khánh Hiệp - Phó giám đốc Sở Công thương, Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DNTP
Hội nghị tập trung nghe Hiệp hội DNTP, các Hội ngành nghề báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời trực tiếp ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội DNTP Huỳnh Văn Minh nhận định, năm 2012 tình hình kinh tế khó khăn rất nhiều so với năm trước, nhiều doanh nghiệp đã ngưng, tạm ngưng hoạt động. Thông qua hội nghị, Chủ tịch mong nhận được nhiều ý kiến cụ thể từ doanh nghiệp, qua đó lãnh đạo TP, Sở ngành liên quan trực tiếp giải đáp, tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả.
Hơn 150 doanh nghiệp tham dự cuộc họp
Đánh giá về tình hình chung, Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNTP cho biết, hiện nay có hơn 60% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất, chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là vốn, vốn trên thị trường rất khó khăn, hàng loạt các công trình, dự án bị đình trệ, lãi suất mặc dù đã có dấu hiệu giảm trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhưng vẫn còn rất cao (trên 20%) khiến DN khó có thể tạo ra lợi nhuận trong tình hình hiện nay. Tại TP.HCM số lượng Doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động tăng lên nhanh chóng (ước khỏang trên 10.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động) đây là con số doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất trong 20 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2012 nền kinh tế còn nhiều biến động, số doanh nghiệp này sẽ tăng lên, tình trạng rất xấu đối với doanh nghiệp trong năm 2012 do sự thắt chặt tiền tệ. Đối với ngành Bất động sản, mỗi tháng một doanh nghiệp mất đi 50 – 60 tỉ đồng chi phí điều hành. Trong quý 2,3 này doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt. Sự tác động những yếu tố khác làm tăng chi phí đầu vào như: điện 5%, xăng 10%, gas 20%, nước 40% cùng với các yếu tố khác gồm nguyên vật liệu, thực phẩm, lương công nhân, thuế môi trường, lương tối thiểu, BHXH, BHYT, giá thuê đất tăng, lãi suất ngân hàng tăng… dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn, hàng tồn kho (Bất động sản, phân bón, sắt thép, xi măng..), nợ xấu, khả năng thanh khoản ngân hàng, tiếp cận vốn tiếp tục khó khăn, trước tác động mạnh từ khủng hoảng kinh tế Mỹ, Châu Âu, DN khó khăn khi tìm đơn hàng xuất khẩu, bất động sản đóng băng, lạm phát tăng dẫn đến sức mua giảm, chứng khoán giảm mạnh, niềm tin giảm….
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNTP báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp
Trước tình hình trên, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, Hiệp hội kiến nghị UBND những vấn đề trọng tâm nhằm hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp:
- Thành phố có giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn và lãi suất trong tình hình hiện nay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung cho các đối tượng sản xuất hàng tiêu dùng – thiết yếu, các đơn vị sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất hàng bình ổn giá…; Đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng CP Thương mại, dành một khoản tiền lớn cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có kết quả hoạt động tốt trong tình hình khó khăn
- Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động, sau đó giảm dần lãi suất cho vay theo tình hình lạm phát và tính thanh khoản của ngân hàng.
- Nợ đọng thuế của các doanh nghiệp đang tăng lên (Do các doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh, việc thanh toán tiền hàng trong giao dịch mua bán giữa các bên còn chậm, nhằm mục đích chiếm dụng vốn lẫn nhau). Đề nghị Thành phố có phương án hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành Dệt may, Da Giày, Thủy hải sản…
- Rà soát danh mục bình ổn giá cho phù hợp với thực tiễn, cần có chính sách bình ổn giá có trọng tâm, trọng điểm, có quy định thời gian bình ổn cụ thể, không thực hiện bình ổn cả năm như thời gian qua vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn, đồng thời phát sinh tình trạng 2 giá
- Vấn đề đất đai: Cách tính khung giá đất để giao đất cho doanh nghiệp bất hợp lý. Giá xác nhận khi làm hợp đồng lúc trước và bây giờ không giống nhau, lại dùng giá đất hiện tại để tính thì rất nhiều. Đề nghị Thành phồ cùng các cơ quan ban ngành xem xét lại cho hợp lý hơn.
- Cần có chính sách ổn định tỷ giá, giảm mức lãi vay, hạn chế tăng các loại phí như phí cầu đường.
- Cơ quan thuế nên kiểm tra tình hình nộp thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Cần phải có cơ chế pháp luật bảo vệ cho các đơn vị đã chấp hành đúng và có biện pháp xử phạt các đơn vị không thực hiện.
- Việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phải rõ ràng nội dung, đối tượng áp dụng Nghị định 67/2011 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường), đồng thời sớm có tiêu chí hướng dẫn đối với bao bì thân thiện môi trường.
- Đề nghị Thành phố xem xét và có đề xuất hoặc có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người lao động về phần trăm bảo hiểm phải đóng hiện nay là quá cao (30.5% so với trước đây là 27%), trong khi tình hình kinh tế, thu nhập của người lao động rất khó khăn.
- Để cải cách hành chánh có hiệu quả, chúng tôi đề nghị trọng tâm là cải cách con người. Nếu chúng ta xác định doanh nghiệp là lực lượng đi đầu để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm thì cán bộ - công chức phải là những người đủ tầm, có tâm, có đức, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, coi việc thành công hay thất bại của doanh nghiệp cũng chính là niềm vui hay nỗi buồn của mình. Đề nghị Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, đốc thúc các Sở, ngành có liên quan sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình UBND TP. HCM và ra quyết định giao đất để Hiệp hội triển khai dự án 51 Bến Chương Dương, Quận 1.
- Thành phố hỗ trợ chỉ đạo các Sở, đơn vị triển khai quyết định 33 của Thành phố, hướng dẫn doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ chương trình kích cầu của thành phố.
Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu áp dụng trong năm 2012 giảm 100% tiền thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất và 50% cho doanh nghiệp ngành thương mại – dịch vụ (Năm 2011 Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất).
Các hội báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Cuộc họp còn ghi nhận hơn 15 ý kiến từ các Hội ngành nghề và các doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn; Các nguồn chi phí tăng làm tăng giá thành sản phẩm nguy cơ mất - giảm thị trường và; lao động không ổn định, khó khăn trong việc cải tiến khoa học công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, hỗ trợ vốn và lãi suất, cơ chế chính sách thông thoáng. Tại cuộc họp, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước và các Sở ngành giải đáp thắc mắc trực tiếp một số vấn đề cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ hỗ trợ hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà đánh giá cao dự báo của Hiệp hội DNTP về tình hình kinh tế năm 2012, giúp doanh nghiệp có biện pháp đề phòng, khắc phục, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiện, đây cũng là thời cơ để doanh nghiệp tái cấu trúc toàn diện, Thành phố sẽ có biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách kích cầu, Quỹ phát triển công nghệ thông tin. Trước mắt cùng Hiệp hội triển khai thí điểm tại một số doanh nghiệp và tiếp tục nhân rộng mô hình. Phó Chủ tịch đề nghị Hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo thường xuyên với UBND TP. Phó Chủ tịch cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với cơ chế giải quyết nhanh nhất, thông qua Hiệp hội hoặc Văn phòng UBND TP, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp trực tiếp thường xuyên định kỳ hằng tuần để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Hiệp hội DNTP Huỳnh Văn Minh kiến nghị các vấn đề cấp bách
Chủ tịch Huỳnh Văn Minh tiếp thu ý kiến và cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị có biện pháp nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách. Cụ thể, về vốn và lãi suất, Thành phố xem xét sửa đổi lại QĐ 33 để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi và các ngân hàng cần công khai minh bạch hoạt động (đầu ra và đầu vào nguồn vốn). Đối với ngành bất động sản, cần có chính sách cấp bách làm cho thị trường “ấm” lại, cũng là giải quyết được “cái gốc” của mọi vấn đề. Khi thực hiện nghị quyết 11, người dân và và doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất, vì vậy, đi đôi với việc siết giảm chi tiêu công, tín dụng, đồng thời nên giản, giảm thu các loại thuế, phí và quản lý giá để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn. Chú trọng cải cách hành chánh, trong đó mấu chốt là cải cách con người. Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch kêu gọi DN hãy tự điều chỉnh mình, tái cấu trúc sao cho phù hợp, cùng Nhà nước chia sẻ khó khăn. Hiệp hội với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, cam kết luôn đồng hành, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tập hợp khó khăn, nhanh chóng kiến nghị đến UBND TP, kịp thời hỗ trợ DN.
Hiệp hội tiếp tục ghi nhận thông tin về khó khăn, vướng mắc từ doanh nghiệp.
Thông tin Liên hệ:
VP Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
521-523 Điện Biện Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh
Điện thoại: 35129097 Fax: 35129096
Email: vanphong@hiephoidoanhnghiep.vn
VPHH